Mua vàng ngày Vía Thần Tài


“Đổ xô mua vàng ngày Vía Thần Tài” là câu được nhắc đến nhiều trong các năm gần đây nhưng trong tương lai, chưa chắc xu hướng này đã tiếp diễn.

Mua vàng ngày Vía Thần Tài là hoạt động diễn ra trong khoảng gần chục năm trở lại đây. Phong tục này bắt nguồn từ miền Nam, bắt nguồn từ tín ngưỡng của một số người làm kinh doanh, rồi lan rộng ra mọi tầng lớp xã hội.

Khoảng gần chục năm trở lại đây, phong tục mua vàng ngày Vía Thần Tài (mồng 10 tháng Giêng) lan ra miền Bắc và trở lên thịnh hành, không chỉ người kinh doanh, nhiều người dân cũng đi mua vàng như một hình thức cầu may mắn, tài lộc.

Dù mới rộ lên trong một vài năm gần đây nhưng ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch luôn trở thành điểm nóng khi người người, nhà nhà đi mua vàng cầu may. Sau khi tăng nóng từ khoảng ngày mồng 8 tháng Giêng, giá vàng luôn sụt mạnh vào 1 – 2 tuần sau đó khiến những người mua số lượng lớn thiệt hại.

Năm nào cũng có những bài báo kiểu như: “Mua vàng ngày Vía Thần Tài, người dân lỗ ngay tiền triệu” hoặc “Mua vàng ngày Vía Thần tài: May chưa thấy đâu đã lỗ lớn”. Bất chấp như vậy, người người, nhà nhà vẫn đổ xô mua vàng trong ngày Vía Thần tài.

Đi qua các cửa hàng bán vàng ngày này, đâu đâu cũng thấy cảnh chen lấn, xô đẩy để “giành” phần may mắn nhờ mua vàng. Đến nỗi mà có người đùa rằng, đây là chiêu trò maketing của các hãng vàng lớn hay xếp hàng toàn là nhân viên của các cửa hàng đóng giả người mua.

Từ một phong tục trong giới kinh doanh, buôn bán việc mua vàng ngày Vía Thần Tài lan rộng ra toàn xã hội và trở lên thịnh hành, từ đó giá vàng cũng “nhảy múa” theo ngày Vía Thần Tài.


Theo thống kê, trong 5 năm gần nhất, giá vàng biến động tăng ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đạt đỉnh khoảng ngày mồng 8 và sau đó bắt đầu giảm nhẹ.

Năm ngoái, trước ngày vía Thần tài, mỗi lượng vàng miếng SJC giảm 800.000 đồng. SJC mùng 9 Tết niêm yết giá bán vàng miếng 67,4 triệu đồng, thấp hơn so với mức giá 68,2 triệu đồng một ngày trước đó.

Năm nay, giá vàng cũng biến động tương tự, sáng 16/2, ngày mồng 8 cả vàng nhẫn và vàng miếng đều tăng giá nhưng đến hôm nay đã bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ.


Theo tôi ngày Vía Thần Tài mang ý nghĩa tượng trưng nên mặc dù giá vàng tăng, giảm hay biến động như thế nào thì hành vi mua bán vàng trong ngày đó chỉ nên mang ý nghĩa tượng trưng.

Việc lựa chọn vàng là kênh đầu tư, thời điểm, mức giá để đầu tư thì đó là câu chuyện kinh doanh chứ không phải là câu chuyện mang tính tượng trưng, hình thức. Nên coi việc mua vàng ngày Vía Thần Tài chỉ là một hành động tượng trưng chứ không phải thời điểm thích hợp để đầu tư. Trong các năm gần đây, giá vàng sau ngày Vía Thần Tài luôn sụt giảm vì vậy không nên coi đây là cơ hội kinh doanh.

Việc lựa chọn thời điểm nào đó để mua vàng xuất phát từ hai yếu tố thời điểm của cá nhân và tâm lý xã hội. Các năm gần đây, xu hướng này lan rộng nên cũng tác động nhiều đến tâm lý của người dân muốn mua vàng tượng trưng trong ngày Thần Tài để gặp nhiều may mắn.

Với năm nay, có thể thấy, không còn cảnh quá nhiều người chen lấn mua vàng hay xếp hàng mua vàng từ ban đêm. Một mặt, do ngày Vía Thần Tài rơi vào thứ hai đầu tuần mà trước đấy vài ngày là ngày nghỉ nên người dân đã mua vàng trước đó.

Những người không coi đây là một cơ hội kinh doanh mà đơn giản chỉ là một hành động tượng trưng nên thậm chí đã mua vàng trước ngày đó, miễn là họ hành động để mang lại sự may mắn. Mặt khác, nhiều cửa hàng cũng áp dụng hình thức mua bán vàng online cũng làm giảm lượng khách đến cửa hàng mua bán trực tiếp.

Xu hướng đổ xô mua vàng, xếp hàng mua vàng từ ban đêm xuất hiện trong một vài năm trở lại đây và rất có thể trong một vài năm tới không còn trở thành phong trào nữa. Bởi bất kỳ xu hướng gì cũng chỉ thịnh hành trong một khoảng thời gian nhất định.

Hãy coi đó là một phong tục thuần tuý, tránh cổ vũ quá đà, biến tướng khiến nhiều người lầm tưởng mua vàng với số lượng lớn, giá trị lớn và sau đó chịu lỗ khi vàng sụt giảm. Nhưng cũng tránh bêu xấu quá mức phong tục này bởi đây đơn giản chỉ là một hành động mang tính tượng trưng của những người dân, người kinh doanh.

Truyền thông cũng không nên quá quan tâm, cổ suý hành động của người dân trong dịp này càng quan tâm quá mức, càng khiến thị trường chịu tác động.

Mới đây, Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024.

Đối với Nghị định 24, trước khi bàn chuyện sửa hay không sửa và nếu sửa thì sửa như thế nào thì cần xác định rất rõ rằng vàng với nền kinh tế Việt Nam đóng vai trò gì. Và trên cơ sở đó sẽ có chính sách đối với thị trường vàng, thiết kế Nghị định 24 thành một văn bản mang tính pháp lý về quản lý thị trường vàng ở Việt Nam.

TS Vũ Đình Ánh – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả, Bộ Tài Chính






Vietnambiz
 

Có thể bạn quan tâm

Bên trên
}, 0); });